Đón nhận và ảnh hưởng Doraemon_(anime)

Loạt phim Doraemon kể từ khi ra đời đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong giai đoạn năm 1973, những thiếu sót trong quá trình làm phim đã khiến nó bị đánh giá thấp và không phổ biến với phần lớn người xem và những người hâm mộ bộ truyện gốc[4]. Sau sáu tháng công chiếu, loạt phim này đã chính thức hủy phát sóng. Giai đoạn 1979-2005, các tập Doraemon đều chiếm được tỉ lệ khán giả đón xem rất cao, điều này được cho là một trong động lực lớn thúc đẩy ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản phát triển.[16] Đến ngày 22 tháng 9 năm 2005, TV Asahi đã công bố danh sách Top 100 Anime được bình chọn từ những khán giả Nhật Bản, đây là danh sách 100 loạt phim hoạt hình Nhật Bản và cả những phim hoạt hình nước ngoài như Tom và Jerry, với sáu thể loại: thiếu niên, 20-29 tuổi, 30-39 tuổi, 40-49 tuổi, 50-59 tuổi, 60 tuổi trở lên. Loạt phim Doraemon đã đứng vị trí thứ năm,[17]. Theo một thăm dò trên mạng của TV Asahi sau khi kết quả trên được công bố, loạt phim đứng vị trí thứ năm với 1184 lượt bình chọn, sau Fullmetal Alchemist, Gundam, Bảy viên ngọc rồng và Mahō Sensei Negima!.[18] Loạt phim từ 2005 đến nay cũng thường xuyên đạt những vị trí cao trong bảng xếp hạng của Video Research.

Các tập phim dài thuộc thời kì này cũng đã có những thành công nhất định với nhiều bộ phim có doanh thu cao ngay từ những tuần đầu tiên ra mắt. Tuy đều là các tập phim làm lại nhưng Chú khủng long của Nobita(năm 2006) và Tân Nobita và lịch sử khai phá vũ trụ (năm 2009) đều vị thứ 2 trên bảng xếp hạng phim tại Nhật Bản[19][20]; riêng tập phim Tân Nobita và chuyến phiêu lưu vào xứ quỷ - 7 nhà phép thuật (năm 2007) còn vươn lên vị trí cao nhất trong tuần đầu tiên phát hành[21] và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao đứng thứ hai ở Nhật Bản trong năm 2007 với 3,54 tỉ yên, chỉ đứng sau tập phim chủ đề thứ 10 về Pokémon: Cuộc đối đầu giữa Dialga, Palkia và Darkrai (劇場版ポケットモンスター ダイヤモンド&パール ディアルガVSパルキアVSダークライ).[22] Vào năm 2008, bộ phim dài Nobita và người khổng lồ xanh đứng đầu bảng xếp hạng phim trong ba tuần.[23] Nó cũng được đề cử cho giải thưởng Anime của năm của Viện hàn lâm Nhật Bản nhưng không đoạt giải, thay vào đó là bộ phim Gake no Ue no Ponyo (崖の上のポニョ)[24]. Tại Nhật Bản, Nobita và cuộc đại thủy chiến ở xứ sở người cá đã trở thành phim ăn khách nhất ngay trong tuần đầu ra mắt, đánh bại Avatar giữ vị trí này suốt 9 tuần đầu năm 2010.[25]

Nhân vật Broadband từ Ủy ban Truyền thông Liên bang

Doraemon là một trong những loạt anime truyền hình dài nhất, tính theo số lượng tập, chỉ đứng sau Sazae-san[1] - một loạt phim phát sóng từ ngày 5 tháng 10 năm 1969 trên kênh Fuji TV.[26] Ngày 10 tháng 2 năm 1995, ba tuần sau trận động đất Kobe khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, 300.000 người mất nhà cửa, để khích lệ những đứa trẻ ở đây, một rạp chiếu phim đã mở cửa miễn phí cho các em vào xem và bộ phim được họ chọn chiếu là một phim hoạt hình dài Doraemon.[27] Loạt phim đã góp phần đưa hình tượng chú mèo máy đến với toàn thế giới, giúp cậu trở thành nhân vật hoạt hình duy nhất trong số 22 nhân vật nổi bật của châu Á (Asian Heroes) trong một bài báo có tựa đề The Cuddliest Hero in Asia (Anh hùng đáng yêu nhất ở châu Á) do tạp chí TIME bầu chọn. Tháng 3 năm 2008, chính phủ Nhật Bản đã chọn Doraemon là Đại sứ hoạt hình chính thức của Nhật Bản trong một buổi lễ do đích thân Ngoại trưởng Nhật Bản Komura Masahiko chủ trì.[28] Năm 2005, Doraemon là tác phẩm được Hội Nhật Bản tại New York lựa chọn để đại diện cho văn hóa otaku Nhật Bản trong cuộc triển lãm Little Boy: The Arts of Japan's Exploding Subculture do nghệ sĩ Murakami Takashi chủ trì.[29] Theo Murakami, cốt truyện của Doraemon là đại diện tiêu biểu cho tâm lý "hiện thực hóa giấc mơ" tại Nhật Bản vào thập niên 1970 khi cuộc cách mạng về điện tử mở ra cho mọi người ý tưởng về việc giải quyết mọi rắc rối bằng máy móc thay vì phải bằng sức lao động hoặc sử dụng trí thông minh. Một cuộc thăm dò được Oricon công bố ngày 14 tháng 4 năm 2008 với đối tượng là những người hâm mộ hoạt hình Nhật Bản theo câu hỏi Bạn muốn trở thành nhân vật anime nào nhất?, theo đó nhân vật Doraemon đứng ở vị trí thứ hai, sau Son Goku (Bảy viên ngọc rồng) còn Nobita đứng thứ tư sau Monkey D. Luffy (One Piece). Doraemon gây được ảnh hưởng lên một số chương trình truyền thông ở ở Hoa Kỳ. Nhân vật Broadband của Ủy ban Truyền thông Liên bang khá giống Doraemon, điều này đã dẫn đến một số rắc rối xung quanh vấn đề bản quyền giữa Shogakukan với Ủy ban này.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Doraemon_(anime) http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/news/2005-09-23/tv... http://www.animenewsnetwork.com/news/2005-09-23/tv... http://www.animenewsnetwork.com/news/2006-03-08/ne... http://www.animenewsnetwork.com/news/2008-01-31/ja... http://www.animenewsnetwork.com/news/2008-11-11/20...